Mắt bị cận có nên mổ cận không? Dù rằng kính cận có thiết kế đẹp, thời trang thì không phải ai cũng thích nó. Rất nhiều người cảm thấy bất tiện và vô cùng khó chịu khi phải đeo kính suốt cả ngày. Do đó, phẫu thuật chữa cận thị được xem là giải pháp hoàn hảo giúp họ thoát khỏi nỗi khổ tâm khi phải đeo “đít chai” dày cộm.
Có điều, một khi đã quyết định mổ cận thì có rất nhiều điểm cần chú ý. Chưa kể, không phải cứ có tiền là đều mổ cận được. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về phương pháp này. Xem ngay nhé!
Bị cận có nên mổ cận không?
Nếu bạn gõ chữ “mổ cận thị” trên thanh công cụ Google, chỉ vài giây ngắn ngủi đã trả về cả triệu kết quả tìm kiếm. Điều này cho thấy mổ cận thị đang được rất nhiều người quan tâm tìm hiểu.
Tuy nhiên, dù có nhiều thông tin về mổ cận thị thì không phải ai cũng hiểu đúng về nó. Thực tế, nhiều người nhầm lẫn rằng ai bị cận thị đều có thể chọn mổ cận. Thế nhưng, sự thật về mổ cận thị không đúng như suy nghĩ đó. Nhiều chuyên gia nhãn khoa cho biết chỉ mổ cận khi đáp ứng được điều kiện: độ tuổi, sức khỏe. Và khi người bệnh bị lệch độ hai mắt quá 3 diop, nhìn lóa khi đeo kính, làm việc ở những ngành nghề không được đeo kính… thì mới nên chọn phẫu thuật khúc xạ chữa cận thị.
Sở dĩ, có lời khuyên như vậy vì tác hại của việc mổ mắt cận thị là ảnh hưởng đến giác mạc. Thêm nữa, sau khi mổ mắt hay gặp các triệu chứng: khô mắt, nhạy cảm với ánh sáng… Hoặc thậm chí là khó mở mắt, xuất huyết dưới kết mạc. Trong khi đó, người bệnh hoàn toàn có thể đạt thị lực tốt bằng cách dùng kính cận loại tốt.
Chính vì thế, bị cận có nên mổ cận không còn do nhiều yếu tố quyết định. Hãy đo khám mắt và nghe chỉ định của bác sĩ nhãn khoa trước khi chọn mổ hay không nhé!
Mổ mắt cận có bị tái lại không?
Chi phí mổ cận thị khá đắt đỏ. Dù bảng giá mổ mắt cận tại các bệnh viện, phòng khám nhãn khoa… có khác nhau thì mức giá cũng từ vài chục cho đến cả trăm triệu đồng. Vậy nên sau khi mổ mắt có tái cận lại không? – Đó chính là thắc mắc chung của nhiều người khi tham khảo các phương pháp mổ cận thị.
Theo đó, mắt cận sau khi mổ có nhiều khả năng bị tái cận. Nguyên nhân tái cận có thể do chủ quan lẫn khách quan. Rất nhiều người sau khi mổ cận liền lơ là trong việc theo dõi và tái khám mắt định kỳ. Hoặc có thể do bất thường của thủy tinh thể, hốc mắt, độ cong của giác mạc…
Để hạn chế nguy cơ tái cận thì cần đặc biệt chú trọng quá trình chăm sóc và vệ sinh mắt. Tốt nhất nên thiết lập chế độ học tập, làm việc, nghỉ ngơi, tăng cường dưỡng chất tốt cho mắt… Đồng thời, nên nghiêm chỉnh tuân theo chỉ định điều trị sau mổ cận. Như là: tra thuốc, tái khám để phát hiện và ngăn chặn sớm các dấu hiệu tái cận nhé!
Ngoài 40 tuổi có nên mổ cận thị?
Phẫu thuật xóa cận thị được chỉ định với người trên 18 tuổi. Trong đó, có một số phương pháp yêu cầu độ tuổi người bệnh trên 21 tuổi. Dựa vào thông tin này có thể thấy, độ tuổi lý tưởng để mổ cận là sau 19, 20 tuổi. Khi đó độ cận có xu hướng ổn định, trong một năm ít tăng hoặc không tăng độ.
Ngược lại, độ tuổi từ 40 trở đi không nên mổ cận. Bởi lẽ sau tuổi 40, đôi mắt của chúng ta đã bắt đầu có các dấu hiệu bị lão thị. Dù thực hiện mổ cận cũng chỉ ngừng đeo kính cận một thời gian ngắn. Sau đó lại phải chuyển sang đeo kính lão.